Chuyện 47 – Vì chiều vợ mà mang họa

Đăng bởi Tịnh Viện Thuận Tánh vào lúc 27/09/2019
Chuyện 47 – Vì chiều vợ mà mang họa

Lời dẫn: Người mà trong lòng có điều mờ ám, bất luận nói năng hay làm việc đều lo sợ bất an, không thể yên tâm mà làm; cho nên, dù họ có làm việc cũng không được hài lòng vừa ý. Bậc cổ đức dạy: “Cúi đầu ngẩng đầu không hổ thẹn”. Cho dù chết đến nơi cũng“xem chết như trở về”. Vì vậy, làm người làm việc phải “không thẹn với lương tâm” thì mới có thể “hoàn toàn yên lòng”, cũng chính là bậc đại trượng phu “đầu đội trời, chân đạp đất”. Ngược lại, người không biết hổ thẹn thì không đủ tư cách làm người, mà còn là ký sinh trùng trong thế gian.
Ngày xưa có một quốc gia. Mỗi khi đến ngày lễ kỷ niệm của đất nước, tất cả phụ nữ trong nước đều cầm một đóa hoa sen xinh đẹp đi diễu hành chúc mừng, để chứng tỏ sự cao quý của phái yếu. Nếu người nào không có hoa sen thì cảm thấy như đánh mất thể diện.
Lúc đó, có một phụ nữ nhà rất nghèo, thấy mọi người đều cầm hoa đi chúc mừng ngày lễ, mà mình không mua nổi một đóa hoa nên rất đau khổ. Nàng bảo chồng:
– Chàng ơi! Hôm nay là ngày lễ quốc khánh nước ta, mỗi người phụ nữ đều cầm một đóa hoa sen. Chàng phải nghĩ cách tìm cho thiếp một đóa, nếu không có hoa sen thì chúng mình chia tay đó!
Người chồng nghe vợ nói, vô cùng lo sợ, vội vàng bảo:
– Được thôi! Vợ yêu! Ta nhất định tìm cho nàng một đóa hoa sen. Nàng đừng nói chia tay làm cho ta sợ hãi.
Nhưng khi ấy, hoa sen rất đắt, nhà nghèo không thể nào mua nổi, biết đi tìm hoa sen ở đâu đây?
Gã chồng nghèo này thật đáng thương, vì chiều lòng vợ mà mạo hiểm lén vào vườn hoa của nhà vua để hái trộm. Hồ sen trong vườn hoa của nhà vua nuôi rất nhiều chim uyên ương. Hắn chợt nhớ trước đây đã từng học qua tiếng kêu của loài chim này. Vì thế, đêm đến, hắn vừa giả tiếng chim uyên ương kêu, vừa lén vào trong vườn hoa. Lúc ở dưới hồ hái hoa sen, hắn làm bầy chim uyên ương giật mình, đồng loạt kêu lên. Tên lính giữ vườn kinh ngạc hỏi:
– Ai ở dưới hồ đó?
Trong tình thế khẩn cấp, bất giác hắn trả lời:
– Là tôi!
Tên lính lao xuống hồ kéo hắn lên. Hắn chợt nhớ lại, liền bắt chước tiếng chim uyên ương kêu lên. Tên lính nói:
– Vừa rồi sao ngươi không bắt chước tiếng chim kêu, bây giờ kêu lên đã muộn rồi! Ta dẫn ngươi đến nộp cho nhà vua.
Nghe tên lính nói bắt đem nộp cho nhà vua, hắn chợt hối hận thì đã quá muộn.

Bài học đạo lý
Trong xã hội có rất nhiều nghề; mỗi người làm một nghề thích hợp với mình. Có người có nghề nghiệp vững vàng nhưng không chịu làm, lại làm những việc đầu cơ trục lợi, bòn rút của công, đi chiếm của người, thậm chí xâm phạm quyền lợi của người khác. Có người làm những việc sát, đạo, dâm, vọng, tham ô, lừa đảo, khiến cho mọi người đều chán ghét, chửi mắng thậm tệ, tương lai nhất định họ sẽ chịu quả báo đau khổ. Rốt cuộc, đây là người thông minh hay là kẻ ngu si?
Bất cứ chúng ta làm nghề gì ở thế gian, hay làm thì khéo tay giỏi hơn người. Dân gian nói “Thông thạo thì làm thầy”, thành công lập nghiệp là ở đây. Vậy mà, có người cố chấp, đường chính không chịu đi, đi vào đường tà, đầu cơ trục lợi; hoặc lừa đời, dối người, tương lai nhất định đi vào tăm tối, đúng không?
Có người học Phật mà không chịu học chính tri, chính kiến, chính pháp; lại khăng khăng học những pháp tà ma ngoại đạo, vì danh lợi chính đạo ít quá nên họ không đi theo mà đi vào tà đạo. Tương lai sa đọa, lẽ nào không oan uổng? Tục ngữ có câu: “Mỗi nghề nghiệp đều xuất hiện nhân tài”. Nghề nào cũng có người thành công và nghề nào cũng có người thất bại. Then chốt thành công và thất bại nằm ở đâu? Chúng tôi nghĩ: “Liên quan đến chân thật và gian ác chiếm phần lớn”. Khi chúng ta có tiền, có thế lực thì không chịu bố thí, không chịu làm việc thiện. Lúc mạnh khỏe, tinh thần hăng hái, thì không chịu nỗ lực tu hành. Đến khi tiền không còn, mới nghĩ đến bố thí, làm việc thiện. Khi thân thể mang bệnh, hoặc gặp tai nạn, khốn đốn thì mới nỗ lực tu hành, chẳng phải quá muộn hay sao?

(Trích từ Chuyện bách dụ – SC. Viên Thắng dịch, TT. Thiện Thuận hiệu đính)

Tags :

HẠNH PHÚC PHẬT TỬ THẦY TRÒ
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: